Giới thiệu tài liệu đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Nghệ An về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ lớn của ngành Giáo dục, thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo", nhằm mục đích tôn vinh những người dạy học và những người trong ngành giáo dục. Đây không chỉ là dịp để tri ân các thầy cô giáo mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn lại lịch sử hình thành và ý nghĩa của ngày lễ này. Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Nghệ An trân trọng giới thiệu tài liệu lưu trữ lịch sử hiện đang được bảo quản tại Trung tâm. Đây là những tài liệu quan trọng, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và chính quyền địa phương đối với giáo dục và nghề nhà giáo, đặt biệt là ngành giáo dục tại Nghệ An.
1. Chỉ thị số 09 CT ngày 29/10/1968 của Bộ Giáo dục về việc tổ chức kỷ niệm
Ngày Quốc tế “Hiến chương các nhà giáo” 20/11/1968
Chỉ thị này được ban hành trong bối
cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với
mục đích hướng dẫn tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo
(20/11/1968). Chỉ thị có đoạn viết: “Trong
thư của Hồ Chí Minh gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên,
học sinh, sinh viên các cấp mẫu giáo, phổ thông, BTVH, trung học chuyên nghiệp
và đại học nhân dịp đầu năm học mới, Hồ Chủ tịch đã khẳng định “Mặc dầu giặc Mỹ
điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại trên hai
mặt trận chính trị, quân sự mà ta còn thắng chúng cả trên mặt mặt trận giáo dục
và đào tạo cán bộ”. Sau khi biểu dương những cố gắng và thành tích đạt được của
ngành giáo dục, Thầy cô giáo và học sinh, Hồ Chủ tịch viết tiếp “Nhiệm vụ của
cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang… Giáo dục nhằm đào tạo
những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân ta, do đó
các ngành các cấp Đảng và Chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa
về sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục
của ta lên những bước phát triển mới”..
Chỉ thị nêu rõ ý
nghĩa của Ngày Quốc tế “Hiến chương các nhà giáo”, khẳng định tầm
quan trọng của giáo dục trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Khích lệ phong trào
thi đua dạy tốt, học tốt, động viên các thầy cô giáo phát huy tinh thần trách
nhiệm trong bối cảnh đất nước còn khó khăn. Các hướng dẫn cụ thể trong Chỉ thị
đã giúp các địa phương trên cả nước tổ chức kỷ niệm ngày Ngày Quốc tế
“Hiến chương các nhà giáo” một cách trang trọng, phù hợp với
hoàn cảnh chiến tranh, đồng thời tạo động lực to lớn cho đội ngũ nhà giáo.
|
|
|
Chỉ thị số 09 CT ngày 29/10/1968 của Bộ Giáo
dục về việc tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế “Hiến chương các nhà giáo”
20/11/1968
|
2.
Chỉ thị số 149 CT.VG ngày 6/11/1969 của Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An về kỷ
niệm ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo 20/11/1969
Đây là Chỉ thị mang
tính định hướng của chính quyền tỉnh Nghệ An, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo từ Trung
ương và đưa ra các kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày 20/11 tại địa phương.
Chỉ thị ra đời
giữa lúc Trung ương Đảng đang mở đợt sinh hoạt chính trị “toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân học tập và làm theo di chúc của Hồ Chủ tịch”. Do đó, cùng với ý nghĩa
to lớn, kỷ niệm phải nhằm thực hiện di chúc của Người trong đó có sự nghiệp
giáo dục.
Nội dung Chỉ thị
có đoạn: "Song song với việc tuyên truyền
ý nghĩa quốc tế của ngày kỷ niệm, cần có kế hoạch tuyên truyền, giải thích những
lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phương án giáo huấn của Người đối với sự nghiệp
giáo dục cùng những quan điểm giáo dục của Đảng ta; đồng thời làm cho cán bộ và
nhân dân thấy rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của người
thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, phát huy
đúng đắn truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta. Trong ngành giáo dục,
cùng với việc học tập Di chúc, đây là một dịp để ôn lại nội dung bức thứ của Hồ
Chủ tịch gửi ngành giáo dục năm học 1968-1969, một dịp để mỗi nhà giáo dục học
tập và tu dưỡng theo đạo đức cách mạng cao đẹp của Hồ Chủ tịch, phấn đấu thực sự
trở thành những tấm gương trong sáng đối với thế hệ trẻ mà mình đang đào tạo và
bồi dưỡng."
|
|
Chỉ thị số 149 CT.VG ngày 6/11/1969 của Ủy
ban Hành chính tỉnh Nghệ An về kỷ niệm ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo
20/11/1969
|
Trong chỉ thị
đã chỉ đạo trực tiếp đến các cấp, các ngành quan tâm ưu tiên các thầy cô giáo,
cụ thể: ngành Giao thông vận tải giảm giá tàu, xe; ngành thương nghiệp bố trí
ưu tiên một số mặt hàng cho nhà giáo; ngành y tế tổ chức khám bệnh cho giáo
viên, học sinh; ngành thông tin cung cấp đài cho giáo viên về hưu và hiệu trưởng
các trường; ngành văn hoá ưu tiên cho giáo viên xem chiếu bóng; các tổ chức
đoàn thể tổ chức thăm sức khoẻ cô giáo, thầy giáo… Qua đó thấy rõ việc quan tâm
chăm sóc thầy giáo, cô giáo là một nhiệm vụ chung của mọi ngành, mọi người, vì
chăm sóc thầy giáo, cô giáo tức là chăm sóc con em của chúng ta, là chăm sóc thế
hệ mai sau. Di chúc của Hồ Chủ tịch có đoạn nói: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng
cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Trong thư gửi cho
ngành giáo dục năm học 1968-1969 Người đã dạy: “Giáo dục nhằm đào tạo những người
kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các
cấp Đảng và Chính quyền địa phương, phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp
này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những
bước phát triển mới”.
Uỷ Ban hành
chính tỉnh Nghệ An với mong muốn các cấp, các ngành, với ý thức thấm nhuần những
lời di chúc của Hồ Chí Minh và những giáo huấn của Người đối với sự nghiệp giáo
dục. Nhấn mạnh việc khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần
trách nhiệm trong dạy và học, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Động viên toàn xã hội tham gia vào
công cuộc phát triển giáo dục, đặc biệt là trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất,
tinh thần cho nhà trường và giáo viên.
Hai Chỉ thị trên
không chỉ là minh chứng cho sự ra đời và ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam mà
còn phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và chính quyền địa phương đối với
sự nghiệp giáo dục, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh khó khăn. Những tài
liệu này thể hiện tinh thần tri ân, tôn vinh nghề giáo và đồng thời khích lệ
thế hệ thầy cô giáo tiếp tục cống hiến, dìu dắt các thế hệ trẻ vượt qua gian
khó để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước.
Nhân ngày Nhà giáo
Việt Nam 20/11, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Nghệ An trân trọng giới thiệu
các tài liệu này tới độc giả, với mong muốn góp phần lan tỏa truyền thống tôn
sư trọng đạo, khơi dậy lòng biết ơn và tinh thần học tập trong toàn xã hội. Đây
cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, tự hào và tiếp tục gìn giữ, phát huy
truyền thống quý báu của dân tộc./.
Võ Thị Bích Lợi, Trung
tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Nghệ An