“Nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi triển khai thực hiện các chủ trương của
Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thì yêu cầu nâng cao đạo đức công
vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên càng trở nên
cấp thiết.
Trong thời gian qua, việc nâng cao đạo
đức công vụ và chấp hành
kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà
nước trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động
của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên. Đã từng bước xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm
việc, đạo đức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công
chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ. Tuy nhiên, ở một số cơ
quan, đơn vị vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ
luật, kỷ cương, việc chấp hành đạo đức công vụ chưa thật sự nghiêm túc…
Để nâng cao đạo đức công vụ và tăng cường kỷ luật, kỷ
cương, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, chỉ đạo làm tốt vai trò người đứng đầu
trong gương mẫu, lãnh đạo là tấm
gương sáng trong thực hiện việc nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Hai là, quan tâm lãnh đạo thực hiện hiệu quả
cải cách hành chính trong cơ quan và thực hiện đồng bộ các giải pháp chống quan
liêu, cửa quyền, sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán
bộ, đảng viên.
Ba là, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo
dõi, kiểm tra thực hiện đạo đức công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành
chính. Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm theo dõi,
kiểm tra việc thực hiện trong phạm vi quản lý. Kiểm tra thường xuyên để sớm
phát hiện tình tình hình và có biện pháp quản lý kịp thời. Thông qua tăng cường
kiểm tra cũng là biện pháp cảnh báo, phòng ngừa không để lơ là, vi phạm, làm
ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức và hiệu quả hoạt động của
bộ máy nhà nước.
Bốn là, cần đảm bảo sự ổn định về nhân sự trong quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính. Các cán bộ, đảng viên
cần có sự điều chỉnh, thích nghi nhanh chóng với công việc, từ đó nâng cao
trách nhiệm cá nhân trong công tác.
Nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương là trách nhiệm
của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nhận thức được rằng
việc thực hiện tốt công vụ chính là đóng góp vào sự phát triển chung của đất
nước, giữ vững niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, đồng thời nâng cao
chất lượng công việc trong bộ máy Nhà nước.
Thùy Trang – Thanh tra Sở Nội vụ