Chi viện miền Nam năm 1975 – Dấu ấn tinh thần đoàn kết của nhân dân Nghệ An qua tài liệu lưu trữ
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Nghệ An trân trọng giới thiệu tài liệu lưu trữ lịch sử: Chỉ thị số 134-VB/UB ngày 10/4/1975 của Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An về việc tổ chức cuộc vận động Hợp tác xã, xã viên nông dân cho Nhà nước vay lương thực để chi viện cho miền Nam đánh thắng. Tài liệu này không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, mà còn phản ánh sự chung sức đồng lòng của nhân dân Nghệ An trong cuộc vận động chi viện miền Nam, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975."
Tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định. Quân và dân miền Nam anh hùng
chiến đấu kiên cường, liên tiếp lập nên những chiến công vang dội; nhiều tỉnh,
thành phố, thị xã đã hoàn toàn được giải phóng.
Trong tình hình đó, hơn bao giờ hết,
quân và dân miền Bắc cần đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến lớn. Tuy nhiên, do
lương thực Nhà nước gặp khó khăn, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội
đồng Chính phủ đã ra điện hỏa tốc số 125, yêu cầu các tỉnh tích cực hoàn thành
nghĩa vụ, thu hết nợ, đồng thời vận động hợp tác xã, gia đình xã viên nông dân
cho Nhà nước vay lương thực, nhằm kịp thời chi viện cho miền Nam.
Thực hiện chủ trương đó, Ủy ban Hành
chính tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 134-VB/UB, tổ chức cuộc vận động toàn
dân tiết kiệm lương thực, cho Nhà nước vay, với tinh thần "tất cả vì tiền
tuyến lớn".
Nội dung tại Chỉ thị có nêu: Trong đợt vân động này đối với những hợp tác xã chưa hoàn thành nghĩa vụ
và đang còn nợ Nhà nước thì phải cố gắng với mức tích cực nhất để hoàn thành
nghĩa vụ và trả xong nợ; Đồng thời vận động hợp tác xã, xã viên nông dân tích cực
sản xuất rau màu tiết kiệm tiêu dùng lương thực để cho Nhà nước vay; Đối với những
hợp tác xã đã hoàn thành nghĩa vụ trả xong nợ bán đủ giá cao thì tích cực vận động
hợp tác xã, gia đình xã viên cho Nhà nước vay thêm lương thực với mức cao nhất;
Loại lương thực cho Nhà nước vay gồm: Thóc, gạo, ngô. Vay loại nào sau này Nhà
nước sẽ trả lại loại đó và trả đủ số lượng đã vay…
Chỉ thị số
134-VB/UB ngày 10/4/1975 của Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An về việc tổ chức
cuộc vận động Hợp tác xã, xã viên nông dân cho Nhà nước vay lương thực để chi
viện cho miền Nam đánh thắng
|
Chỉ thị đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể,
yêu cầu các huyện cần tiến hành thành lập ngay Ban vận động. Thành phần Ban vận
động gồm: Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện làm Trưởng ban; đại diện Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc làm Phó ban; đại diện Ủy ban Nông nghiệp huyện và Trưởng phòng
Lương thực làm Phó ban; Huyện hội Phụ nữ và Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động Hồ
Chí Minh làm ủy viên.
Ủy ban Hành chính (UBHC) các huyện
phải nắm chắc tình hình, triệu tập ngay Chủ tịch các xã và thủ trưởng các ngành
có liên quan để phổ biến nội dung, yêu cầu của cuộc vận động. Đồng thời, UBHC
huyện cần giao mức phấn đấu, vận động cụ thể cho từng hợp tác xã (HTX) và phân
công cán bộ về từng xã, hợp tác xã để trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động một cách
chặt chẽ, hiệu quả.
Ở cấp xã, cũng tiến hành thành lập Ban
vận động và tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chiến thắng, giải thích cụ thể nội
dung, mục đích của cuộc vận động. Phải làm cho mọi người hiểu rõ tình hình và
yêu cầu nhiệm vụ mới hiện nay, từ đó tự nguyện xung phong cho Nhà nước vay
lương thực chi viện cho miền Nam. Sau đó, Ban vận động tổ chức họp các tổ, đội
để đăng ký cho vay.
Về hình thức vận động, cần chú ý tổ
chức phát thanh có băng cờ, khẩu hiệu, nhất là trong các buổi đăng ký cho vay
và khi nhập kho, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, sục sôi tinh thần cách mạng.
Ban vận động của xã có trách nhiệm tập hợp đầy đủ danh sách các hộ cho vay để
báo cáo về Ban vận động của huyện.
Phòng Lương thực có trách nhiệm nhận
đủ số lượng lương thực đã đăng ký cho vay tại các HTX và vận chuyển về kho.
Riêng đối với miền núi, cần vận động bà con đưa lương thực đến kho lương thực
gần nhất để nhập. Giấy chứng nhận vay lương thực chi viện cho miền Nam do UBHC
tỉnh in và giao cho Ty Lương thực quản lý, để cấp cho các HTX và hộ xã viên đã
cho Nhà nước vay lương thực.
Các ngành, đoàn thể như Đoàn Thanh
niên Lao động Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc cần tổ chức
giáo dục đoàn viên, hội viên của mình gương mẫu đi đầu trong cuộc vận động này.
Ty Thông tin cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền để phục vụ tốt cho cuộc vận
động. Ty Lương thực phải chuẩn bị đầy đủ cán bộ kho tàng để kịp thời tiếp nhận
và vận chuyển lương thực. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động, UBHC các
huyện phải báo cáo về UBHC tỉnh: năm ngày một lần bằng điện thoại và mười ngày
một lần bằng văn bản.
Cuộc vận động này có ý nghĩa sâu sắc
về chính trị và kinh tế, khuyến khích hợp tác xã và xã viên nông dân tiết kiệm
tiêu dùng lương thực, chi viện tích cực nhất cho miền Nam trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ.
Việc công bố tài liệu lưu trữ Chỉ thị số
134-VB/UB không chỉ tri ân những đóng góp của thế hệ trước mà còn là dịp để
chúng ta nhắc nhở về giá trị của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí kiên
cường. Đồng thời, tài
liệu này cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác lưu trữ lịch sử, góp
phần lưu giữ và phát huy giá trị của các tài liệu lịch sử – tư liệu, làm phong
phú thêm nền tảng tri thức và niềm tự hào dân tộc Việt Nam.
Võ Bích Lợi –
Trung tâm Lưu trữ lịch sử