Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Từ khí thế lịch sử đến sức mạnh lao động hôm nay
Kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2025) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh cách
mạng hào hùng, tôn vinh đóng góp của giai cấp công nhân và người lao động; đồng
thời, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng
đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và thịnh vượng.
Ngày
Quốc tế Lao động bắt nguồn từ thành phố công nghiệp Chicago (Hoa Kỳ). Vào năm
1886, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ đã thông qua một nghị quyết lịch sử, khẳng
định: “Từ ngày 1/5/1886, ngày làm việc của công nhân sẽ chỉ còn 8
giờ.” Đây là tuyên ngôn mở đầu cho cuộc đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp
của công nhân trên toàn nước Mỹ, đòi quyền được làm việc, nghỉ ngơi và sống một
cách xứng đáng.
Tại
Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 1/5/1930,
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử phong
trào công nhân Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta đã xuống đường biểu tình,
thể hiện tinh thần đoàn kết với công nhân quốc tế và lên tiếng đòi cải thiện
điều kiện lao động, tăng lương, giảm giờ làm. Từ đó, ngày 1/5 đã trở thành biểu
tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, và cũng là điểm khởi đầu cho cao
trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh.
Công nhân và nhân dân Việt Nam mít-tinh kỷ niệm Quốc tế
Lao động
01-5-1938 tại nhà
Đấu xảo Hà Nội. Ảnh tư liệu
Sau
Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước giành được độc lập, ngày 01/5/1946,
lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức long trọng tại Thủ đô Hà Nội
với sự tham gia của 20 vạn người lao động. Trước
đó, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC, chính
thức công nhận ngày 1/5 là quốc lễ - người lao động
cả nước được nghỉ làm, hưởng nguyên lương.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động ngày 01/5/1955. Ảnh tư
liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 01 tháng 5 là
một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa
đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em
lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1.5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa
hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng, ngày này
chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết
để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây
dựng một đời sống mới”.
Tại
Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và xây
dựng đất nước, Ngày Quốc tế Lao động mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Năm
1973, thời điểm đất nước ta vừa giành được thắng lợi quan trọng trên mặt trận
ngoại giao và quân sự – buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân về
nước – không khí cả nước tràn ngập niềm vui và niềm tin vào tương lai tươi
sáng.
Trong
dòng chảy lịch sử ấy, một minh chứng sống động cho cách mà nhân dân ta biến lễ
kỷ niệm thành hành động thiết thực đó là việc Ủy ban Hành chính tỉnh
Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 28/CT/VX ngày 18/4/1973 về việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao
động 1/5 kết hợp với lễ mừng công chiến thắng. Đây là sự kiện có ý nghĩa
đặc biệt, thể hiện tinh thần của thời đại - tinh thần kết hợp giữa vinh danh
chiến thắng và kêu gọi toàn dân tiếp tục thi đua lao động sản xuất, xây dựng
quê hương.
Chỉ thị số 28/CT/VX
ngày 18/4/1973 của Uỷ ban hành chính Nghệ An về việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày
Quốc tế lao động 01/5/1973 và lễ mừng công chiến thắng (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh)
Theo
Chỉ thị này, việc tổ chức ngày lễ không đơn thuần là một sự kiện mang tính hình
thức, mà là dịp để khơi dậy lòng yêu nước, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết
và tinh thần lao động sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, trong bối
cảnh hậu chiến, khi đất nước còn muôn vàn khó khăn, thì việc toàn dân đoàn kết,
thi đua lao động là yêu cầu cấp thiết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội. Nghệ An – mảnh đất giàu truyền thống cách mạng – đã thể hiện rõ tinh thần
này qua các phong trào thi đua khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống
nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh. Các nhiệm vụ cụ thể được triển khai rõ
ràng: từ chăm sóc vụ lúa đông xuân, phát triển cây công nghiệp, đẩy mạnh thủy
lợi, đến sản xuất nông cụ, vật liệu xây dựng… Tất cả đều được gắn với tinh thần
“làm việc bằng hai, bằng ba”, thi đua vượt chỉ tiêu, gắn với mục tiêu chiến
lược là đưa Nghệ An trở thành một tỉnh khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chỉ
thị cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các hoạt động chính trị, văn hóa
và chăm lo an sinh xã hội. Việc tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị
tại cơ sở, đơn vị, xí nghiệp nhằm tổng kết phong trào kháng chiến, biểu dương
gương người tốt việc tốt trong sản xuất và chiến đấu, đồng thời triển khai
nhiệm vụ mới, khơi dậy niềm tin vào thắng lợi toàn diện của cách mạng. Việc
chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, trẻ mồ côi, tổ chức lớp học, nhà
trẻ, phòng dịch bệnh… cũng được đưa lên hàng đầu – thể hiện tính nhân văn sâu
sắc của cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, để tránh phô trương hình thức, UBHC tỉnh
kêu gọi chống lãng phí, ăn uống linh đình, thay vào đó là phong trào
tiết kiệm lương thực, thực phẩm, tiền của, nhằm dành nguồn lực chi
viện cho miền Nam và phục vụ sản xuất. Đồng thời, trong những ngày lễ, các hoạt
động văn hóa – thể thao lành mạnh như bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, rước
đèn, văn nghệ… được tổ chức rộng khắp, tạo không khí vui tươi, gắn bó, đoàn kết
trong nhân dân.
Ngày
Quốc tế Lao động không chỉ là dịp để kỷ niệm một mốc son trong lịch sử đấu
tranh của giai cấp công nhân quốc tế, mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta – những
người con của đất nước – nhìn lại chặng đường đã qua, trân trọng những thành
quả đạt được, và tiếp tục nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất
nước. Ngày nay, trong thời đại đổi mới và hội nhập, tinh thần Ngày Quốc tế Lao
động 1/5 vẫn luôn được phát huy mạnh mẽ. Giai cấp công nhân, người lao động
tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước. Những phong trào thi đua lao động giỏi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát
triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần
vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.
Tự
hào với truyền thống vẻ vang, mỗi người lao động hôm nay hãy tiếp tục phát huy
tinh thần ngày 1/5: Lao động sáng tạo, trách nhiệm và đoàn kết để góp phần xây
dựng một nước Việt Nam hòa bình, phát triển, giàu mạnh. Đối với tỉnh Nghệ An –
quê hương giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, tinh thần đó càng cần được
nhân lên, lan tỏa trong mọi lĩnh vực. Riêng với ngành Nội vụ và đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động Sở Nội vụ Nghệ An, đây là dịp để nâng cao
ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực đổi mới, cải cách hành chính, phục vụ
nhân dân hiệu quả, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, hiện đại, vì sự
phát triển bền vững của tỉnh nhà./.
Nguyễn
Thị Ngọc Ánh - Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh